Soạn Văn lớp 10 Bộ Cánh diều | Văn bản 3: Thị Mầu lên chùa (Bài 3: Kịch bản chèo và tuồng)

Ngày 07/12/2022 15:12:15, lượt xem: 2666

Bài 3: Kịch bản chèo và tuồng

Thực hành đọc hiểu: Thị Mầu lên chùa (Trích chèo Quan Âm Thị Kính)

 

 

Câu hỏi 1: Thị Mầu đã sử dụng ngôn ngữ, hành động như thế nào để bày tỏ tình cảm với chủ tiểu? Tiếng gọi “thầy tiểu ơi!" lặp lại nhiều lần có tác dụng gì trong việc biểu lộ nỗi lòng Thị Mầu? Em thấy ấn tượng nhất với lời bày tỏ tình cảm nào của Thị Mầu? Vì sao?

Trả lời:

* Ngôn ngữ và hành động

- Sử dụng ngôn ngữ, hành động để bày tỏ tình cảm với chú tiểu

+ Hành động: Hát ghẹo, xông ra, nắm tay Tiểu Kính.

+ Ngôn ngữ:

·  Vui tươi, háo hức khi sắp được gặp thầy tiểu: “Thế mà Mầu tôi lên chùa từ mười ba”.

·  Không giấu giếm niềm say đắm với chú tiểu: “Tôi vừa đôi tám chưa chồng đấy thầy tiểu ơi”; “Người đâu mà đẹp như sao băng thế nhỉ?”

·  Tha thiết bày tỏ tình cảm mãnh liệt, bộc bạch khát vọng nên duyên qua lời hát ghẹo.

·  Khi không được Thị Kính đáp lại lời bày tỏ thì Thị Mầu đã quyết liệt: “Bỏ mõ để em đánh cho nào”, “Đưa chổi đây…”; gạt phăng “Bỏ mô Phật đi” , dằn dỗi “Mô với chả Phật”

·  Tha thiết giãi bày: “Tri âm chẳng tỏ tri âm…sầu riêng!”

=> Diễn tả tâm hồn rạo rực một khát vọng tình yêu tự do đến cháy bỏng, khắc họa một con người đầy táo bạo, quyết liệt, dám phá vỡ khuôn khổ của lễ giáo, bất chấp mọi quy ước xã hội để bày tỏ một cách thành thật tiếng lòng của mình.

*  Tiếng gọi: “thầy tiểu ơi”

+ Tiếng gọi trở đi trở lại nhiều lần trong những lời đối thoại với Thị Kính, cho thấy mối quan tâm duy nhất của Thị Mầu khi lên chùa là thầy tiểu.

+ Tiếng gọi buộc đối tượng phải quan tâm đến mình, làm cho mọi lời nói, tiếng hát trở thành sự giãi bày, bộc lộ chỉ mong thầy tiểu thấu hiểu.

+ Tiếng gọi tạo cảm giác như đang bủa vây, bay vờn, níu chặt, bám riết lấy đối tượng giao duyên, quyết thực hiện bằng được khao khát bày tỏ tình cảm.

=> Tiếng gọi như muốn bộc bạch tất cả sự mê đắm bật ra cả những nhớ nhung, niềm khao khát. Nó đã hòa nhịp với giọng hát lả lơi, ánh mắt sóng sánh đa tình, nhịp bước tung tẩy, sắc áo rực rỡ và sức sống căng tràn của tuổi thanh xuân phơi phới khiến người đọc hình dung được tâm hồn rạo rực xuân thì, khát khao được nên duyên với người thương của Thị Mầu.

Em thấy ấn tượng nhất với lời bày tỏ: “Thầy như táo rụng sân đình/ Em như gái rở đi rình của chua". Đây là lời tỏ tình đầy táo bạo, mạnh mẽ. Thị so sánh thầy tiểu như táo rụng sân đình. Cây táo ở sân đình thường không được chăm sóc nên quả nhỏ, chua chát. Người phụ nữ có mang thèm của chua, nhìn thấy táo rụng sân đình mắt đã sáng bừng, thật là “cầu được, ước thấy". Cách so sánh như “vơ vào” để thể hiện Thị Mầu đã say thầy tiểu như điếu đổ, không thể cưỡng lại niềm khát khao được thỏa nguyện. Nó thể hiện trực tiếp tình cảm của Thị Mầu với thầy tiểu từ đó ta nhìn thấy được hình ảnh của một người phụ nữ mạnh mẽ, dám yêu, dám bày tỏ tình yêu của mình. 

Câu hỏi 2: Qua ngôn ngữ và hành động của nhân vật Tiểu Kính trong đoạn trích, em có nhận xét gì về nhân vật này?

Trả lời: 

* Ngôn ngữ:

- Không đáp lời trước bất cứ lời bộc bạch, thổ lộ nào của Thị Mầu.

- Chỉ mượn lời niệm Phật: “A Di Đà Phật” để hàm ý nhắc nhở Thị Mầu về giới hạn của người tu hành và chốn Thiền môn. / Có buông ra để tôi quét chùa…

- Tuy vậy, Tiểu Kính không hoàn toàn vô tình mà vẫn cảm thán trước sự éo le, cay đắng của cuộc đời khi mình vốn là phần nữ nhi nhưng lại khiến Thị Mầu say đắm: “Ngẫm oan trái …cũng chỉ là…”

* Hành động: Bỏ chạy 2 lần trước sự sấn sổ táo bạo của Thị Mầu => Nghiêm trang, cẩn trọng, đúng mực theo nguyên tắc của người tu hành.

=> Tiểu Kính là người điềm đạm, một lòng hướng về Phật pháp, chối bỏ mọi quyến rũ cõi trần.

=> Có tính cách đối lập với Thị Mầu, là người đoan trang, tuân thủ lễ tiết, có tâm hồn nhạy cảm – tiêu biểu của vai đào chính trong nghệ thuật chèo.

Câu hỏi 3: Dưới đây là một số trích dẫn ngôn ngữ của tác giả dân gian (được thể hiện qua tiếng đế) và nhân vật Thị Mầu:

Tiếng đế

Lời đáp của Thị Mầu

- Ai lại đi khen chú tiểu đẹp thế, cô Mầu ơi!

- Có ai như mày không?

- Dơ lắm! Mầu ơi!

- Sao lẳng lơ thế, cô Mầu ơi!

- Đẹp thì người ta khen chứ sao!

- […] chỉ có mình tao là chín chắn nhất đấy.

- Kệ tao.

- Lẳng lơ đây cũng chẳng mòn / Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ!

Em có đồng tình với cách đánh giá trên đây của tác giả dân gian (qua tiếng đế) về Thị Mầu và thái độ, suy nghĩ của Thị Mầu không? Vì sao?

Trả lời: 

- Em đồng tình với cách đánh giá trên của tác giả dân gian. Vì: 

Từ đâu Thị Mầu đã được xây dựng là người con gái lẳng lơ, không phải là người con gái theo quan niệm “tam tòng tứ đức” của thời xưa vậy nên, qua lời đế thì những cái dở, cái xấu của Mầu được bộc lộ rõ ràng hơn. Cái dở đó là sự mù quáng trong tình yêu nhưng đó mù quáng cũng là dễ hiểu, do đó dễ thông cảm. Cái mù quáng của Thị Mầu là ở chỗ cô không nhận biết – đối tượng của mình… Thầy Tiểu mà cô mê thực ra là Thị Kính giả trai. Sự mù quáng của Thị Mầu đã dẫn đến những hành động quá táo bạo. Những lời đế ấy không chỉ giúp Mầu thể hiện rõ bản thân của mình mà còn khiến giá trị của những yếu tố trong vở chèo dân gian là cách dùng gậy ông đập lưng ông mà văn học dân gian rất thiện nghệ để phê phán, hơn nữa, bóc trần cái đạo đức giả của của xã hội phong kiến. Từ đó khẳng định rằng khát khao sống, khát khao yêu bất chấp mọi khuôn khổ mực thước cũng chính là thông điệp được tác giả dân gian hết lòng ủng hộ. 

 

ĐỌC THÊM SOẠN VĂN LỚP 10 BỘ CÁNH DIỀU | VĂN BẢN 2: MẮC MƯU THỊ HẾN (BÀI 3: KỊCH BẢN CHÈO VÀ TUỒNG)

 

Câu hỏi 4: Theo em, nhân vật Thị Mầu là người như thế nào? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8-10 dòng) nêu lên nhận xét của mình về nhân vật này.

Trả lời: 

Nhân vật Thị Mầu trong chèo cổ biểu hiện cho một phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam đó là khát khao tự do yêu đương. Đây là quyền cơ bản của bất cứ ai sinh ra trong cuộc đời này. Đặc biệt đối với người phụ nữ, khi lớn lên phải được tự do tìm hiểu, yêu đương và phải lấy người mình yêu. Nhưng đối lập với quyền ấy trong xã hội phong kiến là một lớp sơn đạo đức giả tạo của chế độ hà khắc để trói buộc bao người phụ nữ phải tuân theo “tam tòng”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” chứ không có quyền được lựa chọn tình yêu và hạnh phúc của riêng mình. Thị Mầu theo quan niệm dân gian là một người con gái lẳng lơ nhưng trong góc nhìn của độc giả thì đó lại là người con gái có cá tính riêng, dám vượt qua khuôn khổ vốn có của Nho Giáo để bày tỏ và thể hiện mình, dám sống, dám yêu và sẵn sàng trực tiếp bày tỏ tình yêu của mình với người mà mình thương. Tuy những hành động của Mầu trong chùa là điều không nên làm nhưng cội nguồn cũng bởi sự hối thúc, khao khát của tình yêu mà lí trí bị lu mờ. Đây là điều dễ có thể cảm thông.

Câu hỏi 5: Em biết những tác phẩm văn học nào lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật Thị Mầu trong vở chèo Quan Âm Thị Kính?

Trả lời:

- Xuân khúc Thị Màu (Huy Trụ)

- Cô Thị Mầu (Trần Đăng Khoa)

- Thị Màu (Anh Ngọc)

- Này em Thị Mầu (Ngân Vịnh)

- Hát với Thị Mầu (Đoàn Thị Lam Xuyến)

 

ĐỒNG HÀNH CÙNG CHỊ TRONG KHÓA HỌC VĂN VIP LỚP 10 ĐỂ KHÔNG LO LẮNG TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH MỜI NHÉ!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan